Đột quỵ có thể phòng ngừa bằng ăn uống, nghỉ ngơi khoa học, kiểm soát huyết áp, xử lý đúng khi có triệu chứng báo hiệu bệnh.
Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Trí Thanh – Phó Trưởng Cơ cở 2, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM cho biết, trước đây, đột quỵ phổ biến ở người trên 60 tuổi nhưng ngày nay lứa tuổi tứ tuần cũng mắc bệnh nhiều. Trong các nước tầm soát đột quỵ tốt, Nhật Bản luôn đứng top đầu nhờ tuyên truyền người dân về mức độ nguy hiểm, cách phòng tránh bệnh. Theo bác sĩ Thanh, một số bí quyết chăm sóc sức khỏe của người dân xứ hoa anh đào dưới đây góp phần giúp số người đột quỵ ở đất nước này giảm 85% từ năm 1960 đến nay.
Tập thể dục
Theo các nhà khoa học Đại học Kyoto, nếu người dân không thể đứng thăng bằng trên một chân trong ít nhất 20 giây, đó có thể là dấu hiệu cảnh báo đột quỵ thầm lặng. Vì vậy, họ khuyến cáo mọi người nên tập đứng thăng bằng, đi bằng chân trần 30 phút mỗi ngày.
Tập thể dục với mức độ vừa phải như đạp xe, chạy bộ có thể giảm nguy cơ đột quỵ. Việc tăng hoạt động thể lực cũng giúp cải thiện tình trạng tim mạch, các yếu tố nguy cơ tim mạch như rối loạn lipid máu, béo phì, tăng huyết áp…
Ăn uống khoa học
Mỗi người nên thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh với các loại cá, rau quả, gạo lứt, trái cây, trà xanh… Cá biển giàu omega-3 (cá hồi, ngừ, thu…) giúp giảm xơ vữa mạch máu. Người dân duy trì chế độ ăn nhạt sẽ tốt cho tim mạch và huyết áp, góp phần làm giảm nguy cơ đột quỵ.
Bên cạnh đó, người dân có thể học người Nhật ăn Natto (đậu tương lên men) kèm cơm mỗi ngày để phòng bệnh huyết khối. Món ăn này có truyền thống 1.200 năm, chứa enzym nattokinase, góp phần hỗ trợ làm tan cục máu đông, ngăn ngừa tai biến.
Khám sức khỏe định kỳ
Việc thực hiện tầm soát nguy cơ đột quỵ định kỳ giúp phát hiện những chỉ số không tốt về đường huyết, cholesterol… sẽ giúp bác sĩ chẩn đoán các nguy cơ đột quỵ. Sức khỏe là vàng, chính vì thế bạn hãy quan tâm đến cơ thể của bản thân, gia đình đúng mực.
Tỉnh táo với những dấu hiệu cảnh báo đột quỵ
Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Trí Thanh cho biết thêm, thực tế, 20% trường hợp đột quỵ xảy ra đột ngột, có đến 80% là xuất hiện triệu chứng báo trước. Nhiều người bệnh bị nghẽn mạch máu não lúc đến bệnh viện, khi bác sĩ hỏi bệnh sử, đa phần đều nói có xuất hiện các triệu chứng như chóng mặt, người mệt mỏi…
Các dấu hiệu cảnh báo sớm nguy cơ đột quỵ:
– Mặt méo một bên nhưng không phải nụ cười đẹp, duyên dáng như chúng ta thường thấy.
– Tay chân yếu, không có sức sống, chẳng hạn như đang cầm đũa, cầm chén, điện thoại… thì tự nhiên làm rơi xuống, không nhặt lên được.
– Nói khó, ú ớ, một số trường hợp ngất xỉu.
Bên cạnh đó, chóng mặt, tê yếu tay chân hoặc đi không vững, đột nhiên ngã, không thể đứng thẳng dậy… cũng là những triệu chứng bất thường cần chú ý. Các hiện tượng này có thể do nghẽn mạch máu, cắt đứt hoặc chặn lưu lượng máu đến não, gây ra cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua (TIA).
Đây đều là những triệu chứng rất dễ nhận biết mà không cần đến gặp bác sĩ. Nếu vài giây hay vài phút trước người bên cạnh chúng ta bình thường, khỏe mạnh mà tự nhiên gặp các dấu hiệu trên thì hãy chẩn đoán ngay là đột quỵ chứ không phải trúng gió như dân gian truyền miệng.
Khi người bệnh xuất hiện các triệu chứng đột quỵ, người thân cần xử lý đúng cách như đỡ người bệnh để không bị té ngã chấn thương; để bệnh nhân nằm xuống chỗ thoáng, nghiêng qua một bên nếu nôn ói; móc hết đàm nhớt cho bệnh nhân dễ thở. Sau đó, người nhà nhanh chóng gọi xe đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất.